Miền Tây sẽ lập lại đỉnh lũ năm 2000. Ngày 24-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khảo sát tình hình lũ lụt tại hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp.
Người dân huyện Hòa Vang đang chạy đua với nước lũ để gặt lúa. Ảnh: LÊ PHI
Đồng Tháp, An Giang: Không để xảy ra tình trạng chết nước
Đến nay An Giang có hơn 14.000 ha lúa mới sạ bị ngập và hơn 7.000 ha bị đe dọa. Mực nước tại Tân châu trong vài ngày tới sẽ vượt báo động 3. Khi đó An Giang có khoảng 1.000 km đê bị ảnh hưởng. Cả tỉnh có hai người đi hái rau muống trên đồng lũ bị chết. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các địa phương phải rút kinh nghiệm từ bài học đau đớn của mùa nước năm 2000, vùng đồng bằng sông Cửu Long có trên 500 người chết. “Ưu tiên số một bây giờ là chăm sóc con người, đưa rước học sinh có trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ an toàn, dứt khoát không để xảy ra tình trạng chết nước” - ông Thạnh cho biết.
Tại Đồng Tháp đã có 86 ha lúa vụ ba bị ngập và 200 ha bị mất trắng. Hiện còn trên 7.600 ha nguy cơ cao bị lũ gây ảnh hưởng. Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết lũ lớn 10 năm nay mới lặp lại nên cao trình xây dựng các tuyến đê bao đã lạc hậu, các địa phương cần rà soát và cho gia cố thêm.
Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa sẽ ủng hộ hết mình cho hai tỉnh đầu nguồn lũ An Giang và Đồng Tháp về việc tiếp tục xây dựng cụm-tuyến dân cư, bố trí dân vùng bị sạt lở và vùng bị ngập vào định cư an toàn, hỗ trợ những khoản chi phí thiết yếu cho việc phòng, chống lũ. “Tôi cũng ủng hộ việc Đồng Tháp cho học sinh ở các trường bị ngập nghỉ học, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân” - Bộ trưởng bày tỏ.
Miền Trung: mưa to, nhiều vùng bị lũ chia cắt
Tại Quảng Nam, chiều tối 24-9, tin từ BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết tổng số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên biển là 81 tàu với 1.677 lao động. Trong đó, có 61 tàu với 1.594 lao động đánh bắt xa bờ, 20 tàu với 83 lao động đánh bắt gần bờ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới và chỉ đạo các đài thông tin phát bản tin về vị trí, diễn biến của áp thấp, thông báo cho tàu cá đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh.
Chiều 24-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh (PCLB) Quảng Nam đã có công điện gửi các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh yêu cầu quản lý chặt chẽ việc ra khơi, kiểm đếm tàu thuyền đang đánh bắt cá; các địa phương, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hồ chứa nước, hồ thủy điện; khẩn trương tổ chức kiểm tra và có kế hoạch sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ cao bị sạt lở núi, sạt lở bờ; các lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẵn sàng ứng cứu dân khi có yêu cầu…
Tại Đà Nẵng, lũ trên sông Cu Đê uy hiếp hàng trăm hộ dân. Ngày 24-9, lũ tràn qua nhiều tuyến đường thuộc địa phận các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (Hòa Vang) và các khu dân cư thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Mưa lớn liên tục kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về làm hàng trăm hộ dân tại Hòa Bắc, Hòa Liên bị chia cắt và nhấn chìm các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Tại khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, các khu dân cư vùng hạ lưu sông Cu Đê đang ngập lụt hết sức nặng nề. 66 hộ dân với gần 200 người sống vùng hạ lưu đã được UBND phường này lên phương án di chuyển khẩn cấp nếu nước lũ sông Cu Đê tiếp tục dân cao.
Tại Thừa Thiên-Huế, ngày 24-9, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Có nơi như Tà Lương, huyện Nam Đông lượng mưa đo được là 455 mm. Nhiều tuyến đường sụt lở và bị chia cắt.
Mưa lớn kéo dài đã đe dọa đến nạn sạt lở đất, sụt trượt tại nhiều điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến quốc lộ 49A đi huyện A Lưới. Còn tại huyện Phong Điền, nhiều tuyến đường bị ngập nặng, có nơi ngập đến 0,8 m. Học sinh hai trường THCS Phong Bình và Tiểu học Vĩnh Hòa nghỉ học từ chiều 23-9./.
Áp thấp có thể mạnh lên thành bão Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 25-9 áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng giữa đông đông bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Chiều nay (25-9), vị trí tâm bão trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Ngãi - Bình Định khoảng 360 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với hoạt động của đới gió đông bắc, nên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam, nên khu vực nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7 và có mưa giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. HOÀNG VÂN Đà Lạt: cây đổ, một du khách chết, sáu người bị thương Khoảng 15 giờ 20 chiều qua (24-9), tại Khu du lịch thác Datanla Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xảy ra vụ tai nạn ngã cây, khiến một du khách nước ngoài chết và sáu du khách là người nước ngoài bị thương nặng. Theo ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Giám đốc Khu du lịch thác Datanla Đà Lạt, vụ việc xảy ra khi bảy du khách này đang ngồi tại nhà chờ máng trượt thì bất ngờ một cây cổ thụ có đường kính khoảng 60 cm, cao 15 m bậc gốc và ngã đổ, đè bẹp. Ngay khi tai nạn xảy ra, vì hệ thống máng trượt bị tê liệt hoàn toàn nên đơn vị buộc phải huy động toàn bộ nhân viên dùng cáng khiêng các nạn nhân vượt 400 m đường dốc mới lên đến điểm xe cấp cứu chờ sẵn. Tuy nhiên, anh Ignatins Adri Aristion, quốc địch Indonesia (28 tuổi), đã chết trên đường đi cấp cứu, sáu du khách còn lại đang cấp cứu tại BV Đa khoa Lâm Đồng, trong đó có hai người đang trong tình trạng nguy kịch. CAO DIÊN |