Thực hiện kế hoạch công tác An toàn năm 2021, vừa qua Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đã tổ chức các nội dung sinh hoạt chuyên đề an toàn vệ sinh lao động tháng 12 năm 2021.
Chương trình diễn ra trong 02 ngày với hình thức trực tuyến, tổng cộng có gần 1000 người/ngày tham gia ở các điểm cầu tại các đơn vị trực thuộc EVNSPC bao gồm từ đơn vị cấp 2 đến các Đội, Tổ trực thuộc các đơn vị cấp 4.
Nội dung EVNSPC đưa ra trao đổi, thảo luận bao gồm các giải pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc; công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động tại hiện trường làm việc; sinh hoạt an toàn hàng ngày, hàng tuần tại Đội/tổ sản xuất; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị dụng cụ an toàn và thi công phục vụ công việc; đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ ainh lao động (ATVSLĐ), an toàn điện hàng năm và chế độ, chính sách về ATVSLĐ.

Tại buổi tọa đàm, Ban An toàn EVNSPC cũng báo cáo sơ lược qua tình hình các vụ tai nạn (TN) trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để các đơn vị nắm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm. Theo số liệu báo cáo trên phần mềm quản lý an toàn, 11 tháng qua toàn EVN đã xảy ra 16 vụ (TN) làm 10 người chết, 08 người bị thương; xảy ra 12 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 07 người chết, 07 người bị thương; 02 vụ tai nạn chết người tại các đơn vị trực thuộc EVNSPC đang Cơ quan chức năng làm rõ; 03 vụ không được công nhận là TNLĐ làm 02 người chết, 01 người bị thương.
Về tai nạn giao thông (TNGT), toàn EVN xảy ra 40 vụ trong đó có 25 vụ xảy ra khi trên đường thực hiện nhiệm vụ làm 05 người chết, 22 người bị thương; 15 vụ TNGT trên đường đi làm/về nhà làm 15 người bị thương. Nhìn chung các vụ tai nạn, số người bị nạn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Từ những thiệt hại về người, EVNSPC nhắc nhở các đơn vị, đội ngũ phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động, Kỹ sư an toàn, Cán bộ an toàn chuyên trách, công nhân lao động trực tiếp tại hiện trường… phải nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ, không được chủ quan lơ là với bất cứ tình huống nào, loại hình công việc nào và điều kiện làm việc nào. Phải thực hiện đúng các quy trình quy định về an toàn lao động; thực hiện đầy đủ các biện pháp, nghiệp vụ an toàn rồi mới tiến hành công việc.
Đối với các Quy trình, quy định mới ban hành như: Quy trình an toàn Thủy, cơ, nhiệt, hóa trong EVN có hiệu lực ngày 01/09/2021; Quy trình an toàn điện trong EVN có hiệu lực ngày 01/10/2021. Những văn hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy trình liên quan đến công tác quản lý vận hành lưới điện… các đơn vị phải triển khai nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả. Cần lưu ý những điểm mới như: Mọi công việc đều phải được đánh giá rủi ro và đề ra các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu rủi ro phù hợp; phải nhận điện đầy đủ tất cả các mối nguy, đánh giá và đề ra giải pháp phòng tránh rủi ro về điện, thủy, cơ, nhiệt, hóa; Người cấp phiêu công tác, Người ra lệnh công tác phải chuẩn bị Phiếu công tác/Lệnh công tác đầy đủ các nội dung, biện pháp an toàn phải thực hiện phù hợp với loại hình công việc.
Bên cạnh đó các đơn vị cần phải thực hiện tốt hướng dẫn thực hiện khen thưởng đột xuất và hàng năm về công tác an toàn; Quy chế tổ chức và hoạt động mạng lưới ATVSV trong EVNSPC; Đề án “Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị-dụng cụ an toàn và thi công cho NLĐ giai đoạn 2020-2022; Triển khai áp dụng mẫu đồng phục văn phòng, mẫu đồng phục BHLĐ thống nhất cho các khối, yêu cầu các đơn vị may mua sắm và sử dụng mẫu đồng phục mới kể từ 01/06/2021, các đồng phục theo mẫu cũ được tiếp tục sử dụng nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2022.

Hai buổi sinh hoạt đã thu thập được rất nhiều ý kiến phản hồi, trao đổi những khó khăn cần tháo gỡ về mức độ rủi ro mất an toàn tại hiện trường làm việc, hầu hết các ý kiến đã được giải đáp thỏa đáng, còn lại ý kiến thuộc thẩm quyền cao hơn sẽ trả lời bằng văn bản. Trong thời gian tới, EVNSPC và các đơn vị sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa tai nạn lao động để tai nạn không xảy ra trong những năm tiếp theo./.