An toàn & Tiết kiệm điện

Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức đối thoại, sinh hoạt an toàn lao động quý I-2022

  • 08:12 - 05/04/2022
  • 644

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa tổ chức sinh hoạt công tác an toàn lao động quý I/2022. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến kết nối đến hàng trăm điểm cầu tại các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là đến tận các tổ, đội sản xuất đang đóng ở khu vực vùng sâu vùng xa thuộc các đơn vị.

Trong hai ngày sinh hoạt có rất nhiều ý kiến thắc mắc trong lĩnh vựa an toàn lao động được giải đáp, nhiều tình huống được mổ xẻ, nhiều kinh nghiệm thực tiễn được trao đổi, thảo luận đã bổ sung, mang lại kiến thức hữu ích cho các tập thể và cá nhân tham gia sinh hoạt. Đây là đợt trao đổi học tập, nghiên cứu giúp cho người lao động đang làm việc trực tiếp với lưới điện hằng ngày bổ sung thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao công tác an toàn lao động.

Tại các buổi sinh hoạt, Ban An toàn EVNSPC đã thông qua tình hình tai nạn trong ngành điện năm 2021 và quý I-2022 để người lao động các đơn vị nắm bắt, học tập rút kinh nghiệm từng vụ việc, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ) có thể xảy ra với bản thân.

Năm 2021, toàn EVN đã xảy ra 19 vụ tai nạn làm 11 người chết, 10 người bị thương, tăng 6 vụ tai nạn và tăng 8 người bị tai nạn, trong đó 3 người chết và 5 người bị thương so với năm 2020. Năm 2021 tai nạn giao thông (TNGT) trong EVNSPC xảy ra 15 vụ, tăng 04 vụ so với năm 2020.

 

Ông Đoàn Chí Dũng - Trưởng Ban An toàn EVNSPC chủ trì các buổi sinh hoạt an toàn quý I-2022

 

Qua phân tích các vụ tai nạn đã xảy ra, EVNSPC xác định các nhóm nguyên nhân dẫn đến tai nạn như sau:

Thói quen làm việc tùy tiện, làm theo kinh nghiệm

Chủ quan trong công việc: Đa số các vụ tai nạn xảy ra đối với các công việc thực hiện thường xuyên hàng ngày: sửa chữa điện khách hàng, lắp đặt công tơ, thay công tơ định kỳ, nạn nhân là công nhân có bậc nghề cao, thực hiện công việc có tính chất đơn giản, thực hiện thường xuyên… Điều đó cho thấy nạn nhân các vụ tai nạn có đủ kiến thức, hiểu biết và đảm nhận được việc thực hiện công việc được phân công, nhưng do chủ quan và thói quen không tuân thủ quy trình, quy định về an toàn, kỷ luật lao động nên mới xảy ra tai nạn.

Ý thức chấp hành kỷ luật lao động và sự tuân thủ quy trình, quy định về an toàn: Hầu hết các vụ tai nạn đã xảy ra, nạn nhân đã được phổ biến, hướng dẫn Nội quy, quy trình, quy định an toàn liên quan đến công việc được giao; được đào tạo, huấn luyện và kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu; được trang bị dụng cụ an toàn, phương tiện bảo vệ bảo vệ cá nhân đầy đủ để thực hiện công việc… nhưng không sử dụng dẫn đến tai nạn xảy ra. Do đó có thể thấy sự tuân thủ của một bộ phận người lao động trực tiếp là chưa tốt.

Kỹ năng quan sát hiện trường, phát hiện và đánh giá các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ rủi ro trong quá trình làm việc để phòng ngừa tai nạn còn yếu. Nạn nhân chưa biết tự bảo vệ mình, chưa biết từ chối thực hiện công việc khi nơi làm việc, điều kiện an toàn chưa đảm bảo, chưa ngăn ngừa hết tất cả các mối nguy gây ra tai nạn.

Vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp, người giám sát thao tác

Đơn vị công tác/đơn vị thao tác luôn có từ 02 người trở lên, vì vậy vai trò của Người chỉ huy trực tiếp (NCHTT - Người giám sát thao tác) hết sức quan trọng. Nếu NCHTT tổ chức công việc không tốt, chỉ hủy, giám sát an toàn công việc không chặt chẽ, không kịp thời phát hiện nhắc nhở nhân viên đơn vị công tác dễ dẫn đến tai nạn, sự cố. Nhiều vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ việc không thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp/người giám sát thao tác.

Không thể hiện được vai trò chỉ huy giám sát tại công trường: Có trường hợp NCHTT chấp nhận hành vi sai trái của nhân viên đơn vị công tác, biết nhân viên vi phạm nhưng không nhắc nhở hoặc chấp nhận việc làm tuỳ tiện của đồng nghiệp.

 

Nội dung cần học tập rút kinh nghiệm được đưa ra tại các buổi sinh hoạt

 

Công tác quản lý

Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ kỷ luật lao động, việc thực hiện quy trình, quy định về an toàn, biện pháp đảm bảo an toàn lao động của người lao động khi thực hiện công việc của các cấp quản lý (Tổng công ty đến đơn vị cấp 4) trong thời gian qua chưa tốt, nên chưa ngăn chặn các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn lao động và chưa tạo được thói quen tốt cho người lao động.

Công tác kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật sau tai nạn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, như: Hiện trạng lưới điện, môi trường làm việc chính của công nhân ngành điện còn tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm, tồn tại nhiều khiếm khuyết, chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật - an toàn, có khả năng gây ra sự cố lưới điện, gây tai nạn cho người công nhân khi làm việc. Trang bị lượng phương tiện, dụng cụ an toàn - thi công, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, cũng như phục vụ yêu cầu công việc chưa đảm bảo về chủng loại, chất lượng.

Những giải pháp ngăn ngừa tai nạn

Hoạt động SXKD của EVNSPC “Sản xuất, truyền tải và phân phối điện”, đây là 01 trong 11 ngành nghề có nguy cơ cao TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Do đó, để ngăn ngừa tai nạn lao động, TNGT cho bản thân và đồng nghiệp, EVNSPC đề nghị các Anh/Chị thực hiện các giải pháp như sau:

Đối với tất cả người lao động:

Khi thực hiện công việc được giao, phải thực hiện đúng nội quy lao động, quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Phải thực hiện nghiêm Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động (Điều 6 Luật ATVSLĐ): 6 quyền và 3 nghĩa vụ. Chính sách ATVSLĐ của EVNSPC làĐảm bảo an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”, các giải pháp ngăn ngừa tai nạn đã được EVNSPC triển khai. Trong đó lưu ý nhắc nhở người lao động trong bất kỳ tình huống nào, an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu. Không có công việc nào quá khẩn cấp và quan trọng để không thể thực hiện một cách an toàn. Vì vậy, người lao động có quyền và phải biết từ chối, không chấp hành mệnh lệnh khi phát hiện vị trí làm việc, phương tiện làm việc … chưa đảm bảo an toàn.

Hình ảnh, hiện trường vụ tai nạn lao động tại Điện lực U Minh Thượng - Công ty Điện lực Kiên Giang

 

Bốn (04) Nguyên tắc lam việc an toàn của Tổng công ty Điện lực miền Nam:

1) Không được tự ý đi làm việc khi chưa có sự phân công. Làm việc phải có lệnh công tác, phiếu công tác, phiếu thao tác.

2) Trước khi tiến hành công việc phải kiểm tra thực tế hiện trường làm việc và phải có đầy đủ các biện pháp an toàn phù hợp.

3) Kiểm tra bút thử điện, dây an toàn trước khi trèo trụ. Phải sử dụng dây     an toàn phụ trước khi trèo trụ vượt qua chướng ngại vật.

4) Cắt điện; kiểm tra không còn điện, đặt tiếp đất; đặt rào chắn; treo biển báo, tín hiệu.

Thực hiện công việc phải có PCT/LCT/PTT, có ít nhất 02 người và phải luôn có người giám sát, trừ những công việc được phép làm việc 01 người theo Quy trình an toàn do EVN ban hành.

Trước khi thực hiện công việc phải đánh giá rủi ro để nhận diện và thực hiện biện pháp loại trừ hết các nguy cơ có thể gây tai nạn trong quá trình thực hiện công việc thì mới được phép làm việc.

Đối với Người chỉ huy trực tiếp (NCHTT):

NCHTT phải thực hiện đúng quy định về “Trách nhiệm của NCHTT” theo quy trình an toàn của EVN.

Người cấp phiếu công tác (PCT), Người ra Lệnh công tác (LCT):

Người cấp PCT, Người ra LCT phải thực hiện đúng quy định về “Trách nhiệm của Người cấp PCT, Người ra LCT” theo quy trình an toàn của EVN: Phải đưa ra tất cả các biện pháp an toàn (đúng, đủ) cho đơn vị công tác thực hiện công việc an toàn.

Phát biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại điểm cầu của Công ty Điện lực Bình Dương

 

Đối với việc phòng ngừa TNGT:

- Khi thực hiện công việc trên đường giao thông phải có đầy đủ rào chắn, biển báo về an toàn giao thông theo quy định; trường hợp đặc biệt phải cử người cảnh giới.

- Mọi người khi tham gia giao thông phải chấp hành luật giao thông như: Đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện đúng làn đường quy định, không vượt đèn đỏ, không chạy quá tốc độ quy định, không sử dụng điện thoại di động khi lái xe, không sử dụng còi xe sai quy định, đi bộ đúng quy định…

- Không được uống rượu bia khi tham gia giao thông, nếu lỡ uống rượu, bia thì không trực tiếp lái xe mà sử dụng các phương tiện công cộng khác để đảm bảo an toàn cho bản thân.

- Phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo theo đúng quy định (ví dụ: xe máy phải có đủ 02 gương chiếu hậu). Phải kiểm tra phương tiện trước khi tham gia lưu thông, trường hợp phương tiện hư hỏng, có khiếm khuyết phải sửa chữa, bảo dưỡng ngay./.

Bảo Trung - Ban AT EVNSPC
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan