An toàn & Tiết kiệm điện

Tăng cường biện pháp tuyên truyền vi phạm hành lang an toàn và bảo vệ công trình điện

  • 10:21 - 08/08/2022
  • 472

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên hệ thống lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Nam  (EVNSPC) quản lý vận hành đã xảy ra 179 vụ tai nạn điện do người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐ)....

Trong đó, xảy ra 24 vụ tai nạn phóng điện do người vi phạm HLATLĐ, làm chết 06 người, bị thương 21 người. Với lưới điện hạ thế xảy ra 09 vụ tai nạn điện do bị giật, chạm chập trên dây dẫn, thiết bị sử dụng điện hạ áp làm chết 08 người, bị thương 01 người.

Cụ thể, các địa phương xảy ra nhiều vụ vi phạm HLATLĐ như: Tỉnh Bình Dương 24 vụ, Bình Phước 19 vụ, Đồng Tháp 15 vụ, An Giang - Kiên Giang và Long An 12 vụ, Tiền Giang 11 vụ và Đồng Nai 10 vụ.

Để đảm bảo thực hiện theo kế hoạch, mục tiêu do EVN giao về công tác quản lý hành lang bảo vệ ATLĐCA, EVNSPC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để giảm thiểu, không để xảy ra tình trạng tương tự.

Cụ thể, các Công ty Điện lực tiếp tục triển khai các nội dung, hạng mục theo chương trình công tác ngăn chặn/giảm sự cố lưới điện và củng cố HLATLĐ năm 2022 của EVNSPC đã ban hành.

Tăng cường kiểm tra, quy trách nhiệm quản lý, xử lý cá nhân tập thể lơ là trong quản lý để xảy ra sự cố, tai nạn điện có tính chất chủ quan. Đẩy mạnh công tác khen thưởng, xử phạt để tăng cường trách nhiệm trong công tác.

Đặt mục tiêu, chỉ tiêu giảm sự cố, tai nạn điện cho từng đơn vị QLVH trực thuộc thực hiện. Xử lý dứt điểm số vị trí không đạt khoảng cách pha - đất còn tồn tại. Không để tồn tại hoặc phát sinh các vị trí vượt lộ, vượt sông không đạt khoảng cách theo quy định. Thực hiện công tác đền bù chặt tỉa cây ngoài hành lang tuyến có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện theo chỉ đạo của EVNSPC để giảm sự cố lưới điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Tăng cường công tác phát quang bảo vệ hành lang tuyến

 

Tổ chức kiểm tra, phát quang chặt tỉa cây xanh cho thông thoáng hành lang tuyến đúng theo Nghị định 14/NĐ-CP. Thực hiện đúng chu kỳ chặt tỉa cây, giữ cho hành lang tuyến không bị cây xanh tái vi phạm. Trong mùa mưa bão phải thực hiện kiểm tra, ghi sổ thống kê và phải tổ chức chặt tỉa không để xảy ra sự cố lưới điện do các cây ngoài hành lang tuyến gây ra.

Chú trọng trong công tác kiểm tra, phát quang cây trong ngoài hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây gây sự cố, lưu ý các vị trí đi qua khu bảo vệ rừng. Đối với những cây cao nằm ngoài hành lang mà chưa chặt hạ được thì phải có giải pháp chằng néo chắc chắn không để ngã đổ vào đường dây. Thống kê cây cao nằm ngoài hành lang nhưng có nguy cơ ngã đổ vào đường dây để có biện pháp chằng néo cho phù hợp.

Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm HLATLĐCA còn tồn tại. Chủ động tham mưu với các cấp chính quyền về thời gian, biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm được phát hiện để ngăn ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện cho người dân. Đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp phải báo cáo bằng văn bản về Ban chỉ đạo bảo vệ HLATLĐCA theo phân cấp để được giải quyết.

Thực hiện báo cáo sự cố, về tai nạn điện và các vi phạm đối với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cho Sở Công thương tỉnh (thành phố) và EVNSPC theo đúng quy định.

Tuyên truyền sâu rộng trong dân về công tác bảo vệ hành lang công trình lưới điện

 

Phối hợp Chính quyền địa phương, các Đơn vị quản lý dây thông tin, cáp viễn thông đi trên trụ Điện lực hoặc kéo băng vượt đường giao thông... để xử lý các vị trí không đảm bảo độ cao, ngăn ngừa các phương tiện lưu thông vướng vào gây ra sự cố lưới điện.

Tổ chức có hiệu quả việc kiểm tra, phát hiện kịp thời các công trình, nhà ở xây dựng gần đường dây điện, có khả năng vi phạm HLBVAT LĐCA. Củng cố hồ sơ hành lang tuyến làm cơ sở pháp lý quản lý hành lang, lập lại hồ sơ, bản vẽ sơ đồ hiện trạng hành lang…theo Quy định của EVNSPC.

Theo dõi, nắm bắt tốt các chương trình lễ hội, văn hoá của địa phương, phong trào xã hội để phối hợp với Chính quyền các cấp tổ chức các sự kiện ở địa điểm phù hợp, đảm bảo không bị sự cố lưới điện do bắn pháo hoa, thả bong bóng lễ, vật bay...

Trước khi chuẩn bị đến mùa, lễ hội thả diều ở các địa phương, các Đơn vị QLVH phải phối hợp với Chính quyền các cấp vận động người dân đến địa điểm thả diều phù hợp.

Thực hiện tốt việc kiểm tra lưới điện định kỳ, đột xuất; phát hiện kịp thời các khiếm khuyết, xử lý nhanh chóng. Thực hiện đúng quy định về bảo dưỡng, sửa chữa lớn, nâng cấp; vận hành lưới điện đúng tiêu chuẩn cho phép.

Hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn phòng tránh tai nạn

 

Phần lưới điện của khách hàng hàng quản lý vận hành, các đơn vị hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn đúng kỹ thuật. Các Điện lực nên tư vấn để khách hàng giao phần thiết kế và lắp đặt đoạn dây nhánh rẽ từ công tơ ở cột đến mái nhà khách hàng để đảm bảo chất lượng về thiết kế, thi công. Rà soát nội dung ban hành thoả thuận và thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, nghiệm thu phần lưới điện (đặc biệt là dây nhánh hạ áp từ công tơ ngoài cột vào nhà) do khách hàng tự thiết kế, thi công. Huy động tốt toàn bộ lực lượng CBCNV trong Điện lực nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh hệ thống lưới điện của khách hàng không đảm bảo kỹ thuật. Nhanh chóng cử cán bộ làm việc để khách hàng sửa chữa, cải tạo lại hệ thống điện. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hệ thống điện của khách hàng không đảm bảo an toàn.

Tích cực tuyên truyền các chủ đề về an toàn điện như: Phân biệt lưới điện cao áp và hạ áp; An toàn điện trong mùa mưa bão; An toàn sử dụng điện trong hộ gia đình; An toàn điện khi đến gần hệ thống điện nơi công cộng; Phương pháp cấp cứu người khi bị điện giật… sâu rộng trong dân.

Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, bằng nhiều hình thức, để góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về an toàn điện, các nội dung ngắn gọn để nghe dễ nhớ, nên theo nhiều chuyên đề khác nhau…. Để công tác bảo vệ HLATLĐ có hiệu quả./.

Quốc Quỳnh - Ban AT EVNSPC
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan