Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương quản lý đã xảy ra 03 vụ tai nạn điện trong dân làm 05 người chết. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đa phần là do người dân chủ quan và thiếu kiến thức về an toàn điện, khoảng cách an toàn của hành lang lưới điện cao áp.
Tai nạn điện diễn biến trong dân và hậu quả khó lường
Ngày 01/7/2023, tuyến 472 Bưng Cầu (đang nhận nguồn 481 Sao Quỳ) trạm 110kV Gò Đậu xảy ra sự cố bật Recloser Cơ động ngay lập tức Điện lực Thủ Dầu Một – Công ty Điện lực Bình Dương cử nhân viên vận hành kiểm tra thực tế hiện trường phát hiện tại khoảng trụ 104-105 tuyến 472 Bưng Cầu dây dẫn có vết phóng điện và nạn nhân đã tử vong. Thông tin từ người dân sinh sống tại Khu Phố 1, Phường Định Hòa, tỉnh Bình Dương nơi hiện trường nơi xảy ra tai nạn điện trong dân cho biết nạn nhân là ông Phạm Minh Tuấn, sinh năm 1996 được chủ hộ thuê mướn để lắp đặt bảng quảng cáo. Trong quá trình thi công đã vô ý đưa thanh sắt dài 4,2m lên cao vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện và ngã từ độ cao 5,2m xuống đất dẫn đến tử vong. Theo kết luận của cơ quan đều tra, công trình nằm trong HLATLĐ, khoảng cách từ cần đèn bảng quảng cáo đến dây pha gần nhất theo chiều cao là 02 mét đã vi phạm khoảng cách an toàn được quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện.

& tình hinh an toàn điện, bảo vệ Hành lang an toàn lưới điện
Người dân làm gì để phòng tránh, hạn chế tai nạn điện trong dân
Người dân cần lưu ý chấp hành nghiêm Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014, Nghị định 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 của Chính phủ quy định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Đặc biệt là thực hiện 04 không là: 1)không đứng trú mưa tại chân cột điện, trạm điện; 2) Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng công tơ, thùng cầu dao, các dây thông tin, dây dẫn điện; 3) Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện đi qua; 4) Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. Mùa mưa bão nên thực hiện ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà, cơ quan bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn; Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (biển hiệu, bảng quảng cáo…) khi mưa to, gió lớn.

Khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện, dây điện thoại đứt rơi xuống đường, ao hồ... nên tránh xa, lập rào chắn, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và báo ngay cho ngành điện qua số hotline Tổng đài Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Nam 19009000 - 19001006 để được hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, sự đồng hành của người dân trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện là vô cùng quan trọng cùng với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương… đặc biệt là cấp xã, phường, khu phố/ấp… cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên đăng tải cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho người dân khi sinh sống và làm việc gần đường dây dẫn điện, để qua đó từng bước nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm khi vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện cao áp, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân và tránh gây sự cố hệ thống điện./.